03
Th3

Thủ tục tách thửa đất năm 2022 và những khoản tiền phải nộp

Thủ tục tách thửa đất năm 2022 và những khoản tiền phải nộp

Khi nắm rõ thủ tục tách thửa và những khoản tiền phải nộp thì người dân có thể tự mình thực hiện. Đây là thủ tục khá đơn giản và để thực hiện được thủ tục này trước hết thửa đất phải đủ rộng để đáp ứng diện tích tối thiểu.

1. Điều kiện để được tách thửa

Căn cứ khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013, Điều 29 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và khoản 1 Điều 2 Thông tư 09/2021/TT-BTNMT, để được tách thửa khi chuyển nhượng, tặng cho cần có đủ các điều kiện sau:

(1) Có Giấy chứng nhận.

(2) Đất không có tranh chấp.

(3) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.

(4) Đất còn thời hạn sử dụng.

(5) Thửa đất đáp ứng được điều kiện về diện tích và kích thước chiều cạnh tối thiểu theo quy định của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành.

Lưu ý: Đối với một số tỉnh, thành điều kiện tách thửa không bắt buộc phải có Sổ đỏ, Sổ hồng (chỉ cần có đủ điều kiện cấp Sổ đỏ, Sổ hồng). Nghĩa là ngay cả khi thửa đất đó chưa được cấp Sổ đỏ, Sổ hồng vẫn được phép tách thửa nếu đủ điều kiện được cấp sổ. Ví dụ như tỉnh Bắc Kạn.

2. Hồ sơ chuẩn bị để tách thửa

* Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

* Thành phần hồ sơ:

Khoản 11 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 2 Thông tư 09/2021/TT-BTNMT quy định thành phần hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục tách thửa đất gồm có các giấy tờ sau:

– Đơn đề nghị tách thửa theo Mẫu số 11/ĐK (người dân có thể tải mẫu đơn tại đây hoặc xin mẫu đơn tại địa chính xã, phường, thị trấn).

– Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp (Sổ đỏ, Sổ hồng).

3. 4 bước cần thực hiện để tách thửa

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ như quy định trên thì hộ gia đình, cá nhân cần nắm rõ và thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ

Cách 1: Nộp hồ sơ trực tiếp tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất nếu hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu.

Cách 2: Không nộp tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất.

– Trường hợp địa phương đã tổ chức Bộ phận một cửa để tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính thì hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại Bộ phận một cửa cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương) theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

– Trường hợp địa phương chưa tổ chức Bộ phận một cửa thì nộp trực tiếp tại Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện nơi có thửa đất hoặc nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện nếu chưa tổ chức Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

Để bảo đảm quyền lợi của mình và giám sát cơ quan nhà nước giải quyết hồ sơ đúng thời hạn thì người nộp hồ sơ phải đề nghị bộ phận tiếp nhận ghi và đưa cho giấy tiếp nhận và trả kết quả nếu không thấy bộ phận tiếp nhận hồ sơ đưa cho giấy này.

Bước 3: Giải quyết yêu cầu

Bước 4. Trả kết quả

Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả giải quyết phải trả kết quả cho người nộp hồ sơ.

* Thời gian giải quyếtKhông quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không quá 25 ngày làm việc đối với xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.

Thời gian trên không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.

4. Tách thửa mất bao nhiêu tiền?

Nếu chỉ tách thửa thì người dân chỉ phải trả phí đo đạc và lệ phí làm bìa mới (nếu có).

Tuy nhiên, việc tách thửa thường được thực hiện khi chuyển nhượng, tặng cho một phần diện tích đất hoặc chia đất giữa các thành viên hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất (đất được cấp cho “hộ gia đình” và giờ các thành viên tách thửa) nên chi phí phải nộp có thể bao gồm cả lệ phí trước bạ, phí thẩm định hồ sơ.

4.1. Phí đo đạc tách thửa

Phí đo đạc là khoản tiền trả cho tổ chức dịch vụ đo đạc (không phải nộp cho Nhà nước) nên khoản tiền này tính theo giá dịch vụ.

Thông thường sẽ dao động từ 1,8 đến 2,5 triệu đồng.

4.2. Lệ phí trước bạ

Lệ phí trước bạ chỉ nộp khi tách thửa gắn với việc chuyển nhượng, tặng cho,… quyền sử dụng đất.

Căn cứ Nghị định 10/2022/NĐ-CP và điểm a khoản 3 Điều 3 Thông tư 13/2022/TT-BTC, nếu không thuộc trường hợp được miễn thì tính như sau:

Trường hợp 1: Giá đất tại hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho cao hơn giá đất trong bảng giá đất do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành quy định.

Lệ phí trước bạ tính theo công thức sau:

Lệ phí trước bạ = 0,5% x (Giá tại hợp đồng x m2)

Tuy nhiên trên thực tế không phải khi nào hợp đồng cũng ghi giá 01m2 mà thường sẽ ghi tổng số tiền nên sẽ lấy 0,5% x tổng số tiền trong hợp đồng.

Trường hợp 2: Giá đất tại hợp đồng tặng cho, chuyển nhượng thấp hơn hoặc bằng giá đất trong bảng giá đất do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành quy định

Lệ phí trước bạ trường hợp này xác định theo công thức sau:

Lệ phí trước bạ = 0,5% x (Giá 01m2 x Giá đất trong bảng giá đất)

4.3. Phí thẩm định hồ sơ

Nếu chỉ tách thửa rồi để đó thì không phải nộp khoản phí này, nhưng tách thửa để chuyển nhượng, tặng cho sẽ phải nộp phí thẩm định hồ sơ chuyển nhượng, tặng cho.

Căn cứ Thông tư 85/2019/TT-BTC, phí thẩm định hồ sơ do Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành quy định nên mức thu khác nhau.

4.4. Lệ phí cấp bìa mới (lệ phí cấp Giấy chứng nhận)

Tương tự như phí thẩm định hồ sơ khoản phí này cũng do Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành quy định nhưng hầu hết các tỉnh, thành đều thu từ 100.000 đồng trở xuống.

Trên đây là thủ tục tách thửa và những khoản tiền phải nộp. Có thể thấy dù có một số văn bản mới được ban hành thì về cơ bản thủ tục này không có gì thay đổi so với năm trước.